Học bổng

Học bổng của Khoa Quản lý Công nghiệp được quyết định:

  • Dựa vào sự xuất sắc và nỗ lực của sinh viên – Học bổng được xét dựa trên: thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, nghệ thuật, thể thao hay các khả năng khác của sinh viên. Nó là phương tiện, là động lực thúc đẩy sinh viên phấn đấu học tập và nâng cao trình độ bản thân.

  • Dựa vào nhu cầu tài chính và khó khăn của sinh viên – Việc xét học bổng dựa trên tình hình tài chính của gia đình bạn và sự nỗ lực học tập của sinh viên. Học bổng loại này đã gồm các khoản trợ cấp, tiền mặt, …

Đối tượng xét học bổng

  • Sinh viên hệ chính quy, thạc sĩ, tiến sĩ
  • GPA > 7.0 (GPA > 8.0 sẽ là lợi thế)
  • Có khả năng về ngoại ngữ
  • Chăm chỉ, năng nổ, ham học hỏi và thích trải nghiệm

Tư vấn học bổng

Những nhà tài trợ cho các suất học bổng sẽ đánh giá cao nếu bạn có sự chuẩn bị tốt. Vì vậy hãy tìm hiểu và chuẩn bị sẵn những giấy tờ, chứng chỉ thành tích,…để khi cơ hội đến bạn luôn trong tâm thế chủ động.
Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo những kinh nghiệm phỏng vấn từ các anh chị đi trước, như thế sẽ giúp bạn có thêm tự tin.

Không có bí mật nào cho sự thành công. Thành công là kết quả của sự chuẩn bị kỹ càng, sự chăm chỉ và học hỏi từ thất bại.

Colin Powell

Liên hệ học bổng

ThS. Trần Duy Thanh
Phó Khoa Quản lý Công nghiệp

Văn phòng Khoa Quản lý Công nghiệp, Tòa nhà B10, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM
Email: tdthanh@hcmut.edu.vn
Phone: (84-28) 38650 460

Chị Hà Thu

Cựu sinh viên nhận học bổng trao đổi ESB

“Cách đây 5 năm, mình biết đến học bổng này và đến đầu năm 2 thì nộp hồ sơ sớm nhưng đến lần thứ 3 mình mới đậu vì sự chuẩn bị thiếu kỹ lưỡng của mình ở những lần đầu. Qua đó, mình đã học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều. Đây thực sự là hành trang quý giá nhất trong cuộc đời mình cho đến nay.

Ngày 2/9/2016, mình có mặt tại sân bay Frankfurt, Đức và 10 tiếng sau khi đáp máy bay mình đến khu ký túc xá của trường và chuẩn bị nhập học. Thầy cô và bạn bè ở trường hỗ trợ mình rất nhiều trong lúc đi học. Thầy cô dạy học thông qua bài giảng và bài tập nhỏ để làm việc nhóm và giải quyết tình huống. Nhờ đó mà trước đây mình ngại nói tiếng Anh, ngại giao tiếp, ngại làm việc nhóm, hay ngại tư duy do lo sợ bản thân có những ý tưởng điên rồ thì những khả năng đó đã được cải thiện; mình thấy mình tự tin hơn rất nhiều và học được rất nhiều sau những buổi học như vậy. Ngoài ra, mình còn được dạy về văn hóa và cách làm việc với người từ nhiều nước khác nhau cũng như kiến thức chuyên ngành được truyền đạt từ các thầy cô là quản lý cấp cao trong các doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh việc học, mình có thể tự sắp xếp thời gian để đi du lịch, khám phá thêm nhiều nước lân cận Đức trong khu vực châu Âu để tự trang bị cho mình kiến thức về văn hóa, con người và sự phát triển. Ví dụ như khi mình ở Paris, điều mình ấn tượng nhất là hệ thống tàu điện được xây dựng cách đây trăm năm nhưng đến bây giờ vẫn còn hiệu quả và thông minh. Ở Hà Lan thì mình có cơ hội tìm hiểu về hệ thống cầu tàu giúp duy trì sự sống khi mực nước biển. Ở Ý thì mình có cơ hội thăm thú và tìm hiểu về các công trình về nghệ thuật không đâu sánh bằng.

Thời gian sống ở Đức là cơ hội để mình tự thử thách bản thân và học cách tự làm chủ cuộc sống của mình. Mình sống và làm mọi thứ một cách tự giác, mới đầu qua thì còn mệt mỏi, e ngại nhưng được một khoảng thời gian ngắn thì mình đã tự học được cách thích nghi và lên kế hoạch cho mọi chuyện từ học tập, chi tiêu đến ăn uống và du lịch, tự lo cho bản thân mà không còn cần nhiều sự hỗ trợ của gia đình. Chuyến đi đã thay đổi tư duy sống và bản thân mình một cách tích cực mà mình nghĩ sẽ không thể có một cơ hội tốt hơn trong quá trình học đại học.”